Lần thứ ba Hợp_tung

Sau lần hợp tung thành công, nước Tề càng lớn mạnh. Tề Mẫn vương trở nên kiêu ngạo, không tin dùng Mạnh Thường quân. Để phá hợp tung, Tần Chiêu Tương vương lại sai sứ sang đề nghị Tần và Tề cùng xưng đế. Hai bên giao ước vua Tần xưng làm Tây Đế, vua Tề xưng làm Đông Đế, và cùng mang quân tấn công nước Triệu nằm giữa cũng trở nên lớn mạnh khi vừa tiêu diệt Trung Sơn.

Biện sĩ Tô Tần với tư thế của người giúp Yên Chiêu vương – vị vua muốn báo thù nước Tề - muốn làm yếu nước Tề trước hết phải phá việc liên hoành giữa Tề và Tần, ngăn cản hai nước xưng đế[16].

Năm 288 TCN, Tô Tần sang nước Tề. Ông chỉ ra cho vua Tề thấy rằng nếu cùng xưng đế với Tần thì các nước chỉ tôn trọng Tần mà không tôn trọng Tề, nếu bỏ đế hiệu thì các nước sẽ cảm tình với Tề mà ghét Tần, vì vậy vua Tề quyết định bỏ đế hiệu. Giữa đánh Triệu và đánh Tống, ông cũng cho vua Tề thấy Tống yếu Triệu mạnh, do đó đánh Tống dễ thành công hơn là đánh Triệu. Sau khi vua Tề bỏ đế hiệu, vua Tần cũng buộc phải bỏ đế hiệu vào tháng 12 năm 288 TCN[17].

Sau khi phá vỡ mối liên hoành Tề và Tần, Tô Tần tiếp tục đi du thuyết các nước Yên, Tề, Triệu, Ngụy, Hàn, tích cực liên hệ với Phụng Dương quân, Mạnh Thường quân, Hàng Mận, Chu Tới, Hàn Dư Vi là các đại thần ở các nước này để đẩy mạnh việc hợp tung.

Tề Mẫn vương muốn tham gia hợp tung chống Tần để làm Tần yếu đi khiến mình có thể dễ dàng chiếm Tống. Triệu nằm giữa Tần và Tề mạnh, rất sợ liên minh của hai nước này, nên tìm cách liên hệ với nước Tề phía đông để làm yếu Tần. Nắm quyền nước Triệu khi đó là Phụng Dương quân Lý Đoái. Lý Đoái là người thân Tề nên rất tán thành hợp tung.

Hàn và Ngụy nằm giáp với Tần, khi thấy Tề và Triệu liên minh thì họ muốn tham gia. Nước Yên vì lợi ích của nước nhỏ cũng phải tham gia liên minh. Kết quả năm 287 TCN, 5 nước Yên, Tề, Triệu, Hàn, Ngụy cùng hợp tung[17][18].

Tuy nhiên, liên quân 5 nước họp tại giữa Huỳnh Dương[19] và Thành Cao[20], chưa phát động tấn công Tần thì giải tán. Chỉ có quân Tề nhân cơ hội đó xua quân đánh Tống, tiêu diệt nước Tống vào năm 286 TCN. Việc đánh Tần tuy không thành công, nhưng Tô Tần đã đạt được mục đích ly gián liên minh "liên hoành" giữa Tề và Tần[18][21].

Không lâu sau, cả Tô Tần và Tề Mẫn vương đều bị giết. Tề bị liên quân các nước đánh bại và bị Yên chiếm đóng trong 5 năm. Hợp tung tan vỡ.